Môn Roller Sports (Patin) được chia thành nhiều thể loại chơi khác nhau như:
I. Thể loại chơi Slalom:
Nội dung này gần giống với thể loại trượt băng nghệ thuật. Tuy nhiên, VĐV tập luyện Slalom có thể tập trên nền bê-tông hoặc nền gỗ. Bài trình diễn Slalom phải được thực hiện bằng cách đi qua các hàng cốc với khoảng cách các cốc 50cm, 80cm, 120cm (mỗi hàng 20 cốc) đồng thời VĐV phải trình diễn các kỹ thuật đẹp mắt trên giày trượt kết hợp với tiết tấu nhạc trong khoảng thời gian 80-100 giây. Người tập thể loại này có thể đạt được nhiều lợi ích như khả năng uyển chuyển, dẻo dai và linh hoạt. Với thể loại này, người tập sẽ sắp xếp bánh theo kiểu Full Rocker. Loại giày chuyên cho thể loại Slalom được các VĐV sử dụng nhiều nhất hiện nay là Seba với chất lượng tốt và được thử nghiệm bởi các VĐV hàng đầu thế giới trước khi xuất xưởng. Trong thể loại Slalom còn có 3 nhánh khác là:
1. Speed Slalom:
VĐV sẽ trượt qua hàng cốc (20 cốc) bằng 1 chân, tính thành tích thời gian.
2. Pair Slalom (Jam):
Giống Slalom tuy nhiên bài trình diễn phải được phối hợp từ 2 người trở lên với thời gian từ 160 – 180 giây.
3. Battle Slalom:
Thể loại trình diễn, đấu kỹ thuật Slalom. Mỗi VĐV có 30 giây trong mỗi lượt trình diễn kỹ thuật Slalom của mình để đấu với các VĐV khác.
II. Thể loại chơi Slide:
Người tập thể loại này sẽ đạt được nhiều lợi ích về sức khỏe, nhanh nhẹn, các phần cơ trên cơ thể phát triển tốt hơn. Với thể loại này, người chơi phải chạy đà thật nhanh và trình diễn động tác thắng (phanh) – giảm tốc độ sao cho thật đẹp mắt.
Ở thể loại này, người tập có thể sắp xếp bánh xe Full Rocker hoặc bánh đều (flat) tùy thuộc vào kỹ năng người tập. Loại giày patin chuyên dụng cho Slide cũng như thể loại Slalom được đánh giá cao nhất là hãng giày patin Seba, Micro Skate
III. Thể loại chơi Aggressive:
Đây là môn mạo hiểm cho những người thích cảm giác mạnh. Địa điểm tập có thể là các chướng ngại vật trên đường phố hoặc tập luyện trong Skatepark. Người chơi có thể nhảy qua các hàng rào, lướt trên các bậc thang, trượt patin trên các địa hình có cạnh hoặc trên thanh sắt (grind, rail), trượt trong các máng trượt (ramp)…người tập thể loại này có tinh thần mạnh mẽ, các cơ phát triển tốt đặc biệt là cơ bụng và khả năng phản xạ nhanh nhẹn.
Người tập thể loại này thường chọn giày Aggressive chuyên dụng (USD, Remz, Razor, Seba,…) có bánh xe với kích cỡ nhỏ (52-60mm) nhưng bề ngang rộng và bằng giúp giữ thăng bằng tốt hơn khi thực hiện các động tác tiếp đất (landing) nhưng khuyết điểm là khi nghiêng người chuyển hướng dễ gây trượt ngã đối với những người mới làm quen loại giày này do bề mặt tiếp xúc với mặt sàn nhỏ và bánh có độ cứng cao.
Aggressive có 4 phân nhánh:
1. Street:
Ở thể loại này, người tập sẽ dùng các chướng ngại vật bắt gặp trên đường phố để thực hiện các kỹ thuật như nhảy qua các bậc thang, các bề mặt có độ dốc, trượt trên thanh vịn, gờ bê tông, vách tường,…tính sáng tạo là 1 yếu tố quan trọng giúp cho người tập thể loại này có thể thực hiện các kỹ thuật mới, lạ mắt và trên các chướng ngại vật mà người khác không nghĩ đến để tạo ra 1 bài trình diễn đẹp mắt không theo khuôn mẫu như khi tập trong Skatepart. Ngoài ra, Street còn được hiểu đơn giản là trượt dạo quanh đường phố.
2. Park (Skatepark):
Khác với thể loại street, thể loại tập trong skatepark sẽ có các chướng ngại vật, máng trượt (Ramp) cố định và được sắp xếp theo 1 hướng nhất định giúp cho người tập có thể phối hợp thực hiện liên tục các kỹ thuật.
3. Half pipe:
Loại hình tập luyện chuyên nghiệp trên ramp Half Pipe. Các kỹ thuật nhảy, nhào lộn, xoay người trên không và lướt trên gờ sắt thường được các VĐV thực hiện.
4. Skatecross:
ở nội dung này, người VĐV phải kết hợp các kỹ thuật nhảy và tăng tốc vượt qua các chướng ngại vật (đa phần là các máng – sóng trượt) để về đích nhanh nhất. Loại hình này gọi nôm na là “Đua địa hình” hoặc “Đua vượt chướng ngại vật”
IV. Thể loại chơi Racing – Speed:
Người tập thể loại này phải thực sự siêng năng và có kế hoạch tập luyện bài bản sẽ đạt được rất nhiều lợi ích cho sức khỏe như phát triển các cơ chân, tay, bụng, phản xạ linh hoạt và 1 sức khỏe bền bỉ. Thể loại này gần giống với môn đua xe đạp. Cùng với đôi giày chuyên dụng có các bánh xe to với kích thước 100-110mm, người tập có thể thực hiện các đợt chạy sức bền đường dài, chạy tốc độ cự ly ngắn.
Đối với môn này thì bạn cần phải tập cho đúng động tác để có thể tiết kiệm được sức lực nhiều nhất nhưng lại có thể trượt đi với tốc độ nhanh và trên quãng đường dài nhất (kỹ thuật quan trọng cho thể loại này là Double Push và Parallel).
Người tập chuyên nghiệp thể loại này thường chọn loại giày Speed chuyên dụng (X-Tech, Bont, Gyro, Hyper) với cổ giày thấp để đạt được hiệu suất cao nhất cũng như linh hoạt hơn khi tập các kỹ thuật bo cua, tăng tốc, tuy nhiên loại giày này rất khó sử dụng đối với người mới tập.
V. Thể loại chơi Downhill:
Một hình thức trượt xuống dốc với tốc độ cao, kết hợp các động tác slide khi qua cua gấp, người tập nên tập luyện nhuần nhuyễn các kỹ thuật thắng &chuyển hướng parallel trước khi bắt đầu thử sức với các đường dốc.
Ở thể loại này, người tập nên trang bị đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ tay chân và nón bảo hiểm để đảm bảo an toàn khi tập luyện. Giày nên thiết lập với các bánh đều nhau và kích thước bánh to để giữ thăng bằng tốt khi đi với tốc độ cao.
VI. Thể loại chơi Dancing – Firgure:
Thể loại giống với trượt băng nghệ thuật nhưng VĐV có thể tập luyện với đôi giày Patin trên nền bê-tông hoặc gỗ. Thể loại này có lẽ là kén người chơi nhất nhưng hầu như ai tập môn này cũng đều có thân hình đẹp. Người tập thể loại này phải thật sự đam mê, kiên trì và định hướng rõ ràng. Người tập có thể kết hợp các động tác múa Ballet vào bài trình diễn.
Thể loại này có thể rèn luyện cho người tập tính nhẫn nại và tự tin đồng thời thể trạng, vóc dáng cũng sẽ thay đổi sau 1 thời gian tập luyện như: thân hình gọn gàng hơn, phản xạ nhanh nhẹn, linh hoạt và uyển chuyển.
Giày chuyên dụng thường là loại có 3 bánh với bánh giữa to hơn 2 bánh còn lại giúp VĐV có thể thực hiện có thể thực hiện các động tác nhẹ nhàng hơn do giảm lực ma sát giữa giày và sàn diễn.
VII. Thể loại chơi Hockey:
Đây là môn thể thao đối kháng. Môn này thể thức gần giống với bóng đá, hai đội dùng gậy để đánh bóng vào khung thành đối phương. Đương nhiên mỗi thành viên đều phải trượt trên giày Patin.
Chơi môn này thì đòi hỏi người tập phải trang bị đầy đủ các dụng cụ: gậy, cầu môn, bóng, nón bảo hộ có lưới che mặt, bảo hộ toàn thân, quần áo. Hockey cũng có một số động tác kỹ thuật riêng và đương nhiên phải có chiến thuật.
VIII. Thể loại chơi Fitness:
Fitness Skating là thể loại trượt giúp giảm cân, giữ vóc dáng cân đối, đồng thời giúp giải tỏa căng thẳng cho người trượt. Fitness Skating có thể thay thế cho môn chạy bộ, đồng thời giảm thiểu các chấn động tới cơ và khớp, nhưng đốt cháy nhiều năng lượng hơn chạy bộ. Bổ sung Fitness skating vào lịch trình luyện tập cá nhân sẽ mang lại nhiều lợi ích về thể chất và tinh thần cho người tập.
• Tăng cường khả năng giữ thăng bằng và sự phối hợp linh hoạt giữ các bộ phận
• Giảm cân và duy trì cân nặng ổn định
• Luyện tập, duy trì ổn định và nâng cao hiệu quả hoạt động tim mạch
• Phát triển cơ bắp và nâng cao sức mạnh của cơ
Fitness Skating được xem tương tự như Speed Skating, nhưng chủ yếu tập trung vào phát triển thể chất thay cho tốc độ. Với mục tiêu chính là rèn luyện sức khỏe và không hướng tới thi đấu, Fitness được đánh giá với tính giải trí cao hơn, giúp người trượt thư giãn hơn. Khởi động làm nóng cơ là cần thiết trước khi luyện tập. Đồng thời, người trượt cũng cần biết các kĩ năng khi trượt đường xa, và có sự chuẩn bị tốt về mặt thể chất.