A. Cấu tạo giày trượt
1 đôi giày trượt patin cơ bản có các bộ phận sau:
- Phần cổ giày: gồm có cổ giày, khóa cổ giày, ốc hoặ c long đền cố định cổ giày với thân giày.
- Phần thân giày: gồm có thân giày (Được gọi là boot. Thân trong riêng biệt được gọi là Liner, thân ngoài riêng biệt làm bằng nhựa được gọi là Shell), khóa thân giày, dây giày, chắn giày, đệm gót chân.
- Phần đế: bao gồm khung gắn bánh (frames), bánh xe, vòng bi, đệm vòng bi, thắng (phanh).
Giày trượt Patin có khá nhiều loại với những kết cấu khác nhau. Trong đó 2 loại thông dụng nhất hiện nay là:
- Giày trượt 2 hàng bánh: với kết cấu 4 bánh xếp thành 2 hàng song song, phía trước có cục gôm hãm phanh. Đây là dòng giày patin 4 bánh rất phổ biến tại Việt Nam những năm thập niên 80, 90.
Giày trượt 1 hàng bánh: với kết cấu 4 bánh xếp được xếp thẳng hàng
Ngoài ra còn có những loại giày 1 hàng bánh có 5 bánh xe hoặc chỉ 3 bánh xe.
B. Cách chọn và mang giày phù hợp
Để chọn 1 đôi giày patin phù hợp, cần lưu ý 1 số điểm cơ bản sau:
- Xác định rõ nhu cầu và thể loại tập luyện để chọn loại giày phù hợp.
- Xác định kích cỡ bàn chân để chọn đúng size giày: đo chiều dài từ gót đến ngón cái hoặc ngón dài nhất, từ đó chọn ra kích cỡ giày theo bảng size quy định (mỗi hãng giày có quy cách sản xuất kích thước & thông số giày khác nhau). Đa số các loại giày sản xuất dựa trên bàn chân tiêu chuẩn, do đó khi chọn giày nên mang thử để xem đôi giày có quá chật so với chiều ngang & chều cao của bàn chân hay không, nếu bị cấn gây đau thì nên chọn kích cỡ lớn hơn so với quy định chiều dài bàn chân.
- Thông thường, thân trong của giày sẽ giãn, xẹp sau khoảng 2-3 tuần sử dụng, mức giãn có thể lên đến +1 size. Do đó, nên chọn giày ôm sát chân mình, thậm chí hơi chật. 1 số mẫu giày cao cấp của Seba còn có tính năng giãn theo khuôn chân sau 1-2 tuần sử dụng.
- Ngoài ra, khi chọn giày cũng nên lưu ý chọn những mẫu giày có các tính năng sau: Heel Damping System (HDS, giảm chấn động đến gót chân), thay đổi vị trí cổ giày, frames, có các khóa gài, chắn chống trầy giày,….
C. Sửa chữa và bảo trì giày:
Đa phần giày thường hỏng hóc hoặc cần bảo trì các bộ phận như: bánh xe, vòng bi, khóa giày. Một số ít sẽ bị hỏng frames (gãy hoặc cong) hoặc rách liner. Đối với trường hợp frames bị gãy thì không nên sử dụng lại dưới bất cứ hình thức gia cố nào, nên thay frames mới nếu là loại giày có thể tháo rời frames. Đối với Liner bị rách thì có thể đem đi may lại tuy nhiên, khi may lại đôi lúc sẽ gây khó chịu do đường may không giống nguyên mẫu. Khi mang giày nên nới lỏng dây giày, không nên cố ép gót chân vào. Đa phần các trường hợp bị rách Liner là do người sử dụng cố ép gót chân khi mang giày.
Sau một thời gian dài sử dụng, bánh xe sẽ bị mòn dần, bị xiên, dẫn đến mất cân đối khi trượt, làm ảnh hưởng tới các kĩ thuật khi luyện tập. Khi một mặt của bánh xe bị mòn, chúng ta có thể thay đổi mặt của bánh xe (từ trong ra ngoài hoặc từ ngoài vào trong tùy theo vết mòn). Một cách khác đó là thay đổi vị trí bánh xe. Chúng ta có thể thay đổi vị trí trong một hoặc hai chiếc giày.
(Nguồn ảnh: online-skating)
Khi thay đổi bánh xe, chúng ta sử dụng Tool chuyên dụng (lục giác) để mở ốc trên bánh xe. Chú ý không đặt tool vào ốc quá lỏng lẻo nhằm tránh trường hợp ốc bị tuôn khi vặn, ảnh hưởng tới việc thay đổi bánh sau này.
(Nguồn: rollerenligne)
D. Dụng cụ bảo hộ:
D.1. Nón bảo hộ:
Nón bảo hộ giúp giảm thiểu lực tác động khi gặp va chạm vào vùng đầu, giảm nguy cơ gặp phải các chấn thương vùng đầu. Nón bảo hộ là 1 trang bị quan trọng trong quá trình luyện tập.
Nón bảo hộ dành cho các thể loại đua – Racing: có cấu tạo khí động học, giảm bớt lực cản gió, trọng lượng nhẹ nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho VĐV khi xảy ra va chạm.
Nón bảo hộ dành cho thể loại trượt Patin mạo hiểm: kết cấu chắc chắn, nhẹ và thông thoáng nhưng vẫn đảm bảo an toàn cho người đội khi tập luyện các động tác khó, có độ nguy hiểm cao.
D2. Bảo hộ tay & chân
Trong quá trình tập luyện, các bộ phận như lòng bàn tay, khuỷu tay và đầu gối là những vị trí thường va chạm gây chấn thương. Do đó, người tập nên trang bị đầy đủ dụng cụ bảo hộ như sau để đảm bảo an toàn, tránh chấn thương trong quá trình luyện tập.
Bảo hộ tay: bảo vệ lòng bàn tay và khớp cổ tay khi té, ngã.
Bảo hộ khuỷu tay: bảo vệ khuỷu tay khi té, ngã
Bảo hộ đầu gối: bảo vệ đầu gối khi té, ngã
Ngoài ra còn có bảo hộ hông, giảm lực va chạm với mặt đất khi té, ngã.
D3. Dụng cụ tập Hockey
Do những cú va chạm với bóng (puck) và gậy đánh bóng (stick) gây ra khá nguy hiểm nên người tập thể loại Hockey cần trang bị đầy đủ các trang bị bảo hộ sau để giảm lực va chạm và tránh chấn thương:
E. Bánh xe Patin:
Bánh xe patin (wheel) là một bộ phận quan trọng trên đôi giày Patin. Vì vậy, khi lựa chọn mua và sử dụng, chúng ta cần biết một số thông tin cơ bản sẽ ảnh hưởng tới mục đích sử dụng của bánh xe. Tùy vào từng bộ môn, kĩ thuật, bề mặt sân trượt, và nhu cầu cá nhân, chúng ta lựa chọn kích cỡ bánh xe khác nhau. Những thông tin sau đây sẽ giúp ích khi lựa chọn một đôi Patin mới hoặc mua bánh xe mới:
1. Cấu tạo của bánh xe Patin
(Nguồn: Inlineskating – Biên tập bởi Nguyễn Hoàng Mai Phương)
Bánh xe Patin có tầm quan trọng giống như lốp của một chiếc xe hơi. Bánh xe Patin có rất nhiều kích cỡ đường kính được tính bằng đơn vị milimet (mm), nhiều hình dạng (profile), có độ cứng khác nhau (durometer number) cùng với độ nảy (rebound) và độ bám (grip) khác nhau. Hiện nay, độ dày tiêu chuẩn của bánh xe Patin là 24mm.
Bộ môn trượt giải trí và nghệ thuật (Slalom/Slide) thường sử dung bánh xe cỡ vừa, mềm hơn, với độ bám tốt hơn giúp kiểm soát tốc độ và độ rung. Loại hình tốc độ (Speed) thường sử dụng bánh lớn hơn, cứng hơn, có tốc độ nhanh hơn. Với thể loại mạo hiểm (Aggressive), bánh xe thường nhỏ giúp dễ dàng chuyển động và thực hiện các động tác khó.
Những bộ phận cơ bản của bánh xe:
· Polyeurethane: Lớp nhựa tổng hợp
· Bearings: Vòng bi
· Spacer: Đệm vòng bi
· Wheel Hub: Trục bánh xe
2. Độ cứng của bánh xe có những ảnh hưởng như thế nào đến luyện tập
(Nguồn: Inlineskating)
· Body Weight Loading: Trọng lượng cơ thể
· Grip: Độ bám bề mặt
· Rebound: Độ nảy
· Shock Absorption: Giảm xóc
· Outdoor wear: Thời hạn sử dụng
Chỉ số đo độ cứng (durometer number) của bánh xe thường là số được in thứ hai (sau đường kính mm) và đi liền với ký tự “A”. Một bánh xe được in “76mm/78A” có nghĩa là đường kính của bánh xe là 76mm, và độ cứng là 78A. Chỉ số độ cứng càng lớn thì bánh xe càng cứng. Nghĩa là thời gian sử dụng bánh xe sẽ lâu hơn các bánh xe có độ cứng thấp hơn. Tuy nhiên, bánh xe cứng sẽ khó trượt hơn và độ bám bề mặt kém hơn. Ngược lại, độ cứng nhỏ đồng nghĩa với bánh xe mềm hơn, dễ dàng điều khiển hơn và có độ bám bề mặt tốt hơn; nhưng thời gian sử dụng ngắn hơn. Chỉ số độ cứng cao nhất là 100A. Slalom và Slide thường sử dụng bánh xe có độ cứng từ 72A – 86A. Aggressive và Speed thường sử dụng bánh có độ cứng lớn.
3. Từng hình dạng bánh xe (Wheel Profile) phù hợp với từng mục đích sử dụng
Quan sát bánh xe từ đỉnh xuống để xác định hình dạng bánh xe. Việc xác định này giúp ta biết được bao nhiêu phần của bánh xe sẽ tiếp xúc với bề mặt trượt. Mỗi môn luyện tập sử dụng từng hình dạng bánh xe khác nhau.
Ví dụ bánh xe dành cho Inline hockey, Slalom, Slide, Figure và Dance thường được sử dụng với mục đích giống nhau; và thường không phẳng như Aggressive, hay nhọn như Speed. Bánh xe Aggressive thường phẳng, có độ bám tốt, nhưng tăng lực hãm và không có độ lướt. Bánh xe Speed thường cao và nhọn nhiều, ít lực hãm và linh hoạt hơn.
(Nguồn: Inlineskating)
· Inline Stability: Độ thăng bằng
· Spins: Khả năng xoay
· Turns: Tốc độ khi thay đổi hướng
· Edges: Khả năng nghiêng
Kích thước bánh xe và hình dạng bánh xe rất quan trọng đối với các vận động viên chuyên nghiệp.
4. Vì sao kích thước bánh xe có ý nghĩa quan trọng trong việc luyện tập
(Nguồn: Inlineskating)
· Speed: Tốc độ
· Maneuverability: Tính cơ năng
· Stability: Độ thăng bằng
· Cost: Giá tiền
Kích thước bánh xe ảnh hưởng tới tốc độ khi trượt. Bánh xe lớn hơn trượt nhanh hơn bánh xe nhỏ khi chúng ta tạo một lực đẩy giống nhau. Vì vậy Speed và Marathon thường sử dụng bánh xe lớn. Tuy nhiên, bánh xe nhỏ lại tăng gia tốc nhanh hơn, đồng thời dễ dàng hơn khi nhảy, phù hợp với Aggressive. Slalom, Figure, Hockey thường sử dụng bánh cỡ vừa để cân bằng các yếu tố trên.
Flat setup: là cách lắp đặt tất cả các bánh xe đều tiếp xúc với mặt đất.
(Nguồn: Inlineskating)
Với cách lắp bánh này, người trượt dễ dàng giữ thăng bằng hơn, tốc độ trượt tốt, nhưng lại hạn chế tính linh hoạt khi trượt. Flat setup phù hợp với người mới bắt đầu trượt.
Có hai cách sắp xếp cho Flat setup:
a. Sử dụng các bánh xe có cùng kích cỡ
b. Sử dụng các bánh xe có kích cỡ nhỏ dần. Với lắp này, các bánh xe được xếp lớn dần từ đầu frame. Các bánh lớn sẽ giúp tăng tốc độ, bánh nhỏ giúp tăng tính linh hoạt, cùng với sự thăng bằng khi tất cả bánh xe đều tiếp xúc mặt đất.
Rocker setup: là cách lắp các bánh xe ko đồng loạt tiếp xúc mặt đất
Giống như tác dụng lưỡi trượt trên giày trượt băng, với Rocker setup, người trượt dễ dàng điều khiển được đôi giày của mình và phương hướng, đồng thời tạo cảm giác linh hoạt và gắn liền với đôi chân. Rocker setup cũng giúp dễ dàng hơn trong di chuyển, xoay tròn, thay đổi hướng đột ngột, hoặc thực hiện các bước nhảy nhanh. Tuy nhiên Rocker setup làm giảm độ thăng bằng.
Cách đơn giản nhất để có Rocker setup là thay đổi kích thước của các bánh xe để giảm tiếp xúc mặt đất.
a. Full Rocker setup (Banana, bánh chuối)
(Nguồn: Inlineskating)
Full Rocker setup mô phỏng theo hình dạng của lưỡi trượt trên giày trượt băng. Sử dụng hai bánh xe có kích thước lớn ở giữa, hai bánh xe có kích thước nhỏ hơn nằm ở hai đầu. Với cách lắp này, người trượt dễ dàng xoay hoặc thay đổi hướng, nhưng chậm hơn, và khó giữ thăng bằng hơn. Full Rocker setup sử dụng cho Slalom, Figure, và các loại hình nghệ thuật khác.
b. Front Rocker setup (ảnh trên)
Cách lắp này thường được sử dụng cho loại hình Street giúp ích cho việc trượt trên các bề mặt gồ ghề không bằng phẳng, nhưng độ thăng bằng cao do có vừa đủ bánh xe (ba bánh) tiếp xúc mặt đất, đồng thời giữ tốc độ vừa phải khi trượt. Kiểu lắp bánh này còn có tên gọi khác là “bánh chuối” – banana.
c. An-ti Rocker setup (ảnh trên)
Là cách lắp sử dụng hai bánh xe nhỏ hơn bên trong, nhằm tránh sự mất thăng bằng khi thay đổi kích thước bánh xe. Cách lắp này được sử dụng cho Aggressive khi người trượt nhảy trên các thanh rail (thanh sắt được thiết kế đặc biệt cho Aggressive) hoặc rìa/mép tường.
F. Khung gắn bánh xe (Frames):
Khung frame thường được làm từ 3 chất liệu: nhựa, nhôm và carbon. Để đánh giá giá trị sử dụng của khung frame làm từ các chất liệu trên, chúng ta dựa trên 3 tiêu chí: trọng lượng, độ cứng, và độ bền.
· Frame Nhựa: thường được dùng cho người mới bắt đầu chơi, với ưu điểm giá thành rẻ. Các đôi giày trượt rẻ và không chuyên thường sử dụng loại frame này. Tuy nhiên, frame nhựa được đánh giá với độ cứng và độ bền thấp nhất trong ba loại. Frame nhựa cũng có trọng lượng nặng hơn, làm tăng trọng lượng đôi giày.
· Frame Nhôm hợp kim: so với frame nhựa, frame nhôm hợp kim chắc chắn hơn, nhẹ hơn, và không bị cong vênh khi chịu một lực lớn giúp frame bền hơn. Frame nhôm hợp kim thường được sử dụng cho người trượt ở cấp độ hạng trung, giá thành cũng cao hơn so với frame nhựa.
· Frame Carbon: được coi là loại frame tốt nhất, với trọng lượng rất nhẹ, độ cứng cao hơn rất nhiều, giúp tăng độ bền của thanh frame. Thường được sử dụng cho người trượt đạt trình độ cao, và các vận động viên chuyên nghiệp.
Tuy nhiên, đối với bộ môn Aggressive, frame chuyên dụng thường là frame nhựa tổng hợp cao cấp, với hình dáng được thiết kế đặc biệt. Ưu điểm của loại frames này là tính chất ổn định & đàn hồi, không bị cong vênh, gãy khi gặp va đập mạnh mà frames nhôm hợp kim có thể gặp phải.
Khung frame là nơi chịu nhiều lực ép khi trượt. Do đó, độ cứng rất quan trọng trong việc chuyển hóa lực đẩy giúp di chuyển. Với một khung frame không đạt độ cứng cần thiết sẽ ảnh hưởng tới quá trình luyện tập chuyên nghiệp.